Những điều nhắn nhủ từ đôi chân


 Khi còn nhỏ, chúng ta học cách đứng vững trên hai chân. Mới đầu có mẹ dắt tay, rồi bạn tự vịn vào thành giường tự mình chiến đấu. Có thể bạn ngã, nhưng bạn sẽ phải đứng dậy tiếp tục bước đi. Vì nếu bạn ngồi cả ngày không đứng dậy, dần dần đôi chân sẽ trở thành tật nguyền mất.
Khi đôi chân đã đi vững chãi hơn bằng những lần ngã và vấp, bạn có thể leo lên những bậc thang. Nếu mạnh hơn và dũng cảm hơn,bạn có thể leo lên một ngọn đồi cao.
Dần dà, chúng ta lại phải học để điều khiển đôi chân thuần thục hơn, để đi được xe đạp chẳng hạn. Đôi chân làm bánh xe quay và nó đưa chúng ta đến trường học. Còn nếu con người lười hơn, họ sẽ sử dụng đôi chân của người khác để đi lại : gọi xích lô, thuê taxi, đi xe ôm… Nhưng những đôi chân của người khác không do não của chúng ta điều khiển, nên chẳng bao giờ hiểu được chúng ta muốn gì, cần đi đến đâu. Do đó, một là chúng ta phải căn dặn bằng lời hết sức cẩn thận, hai là người khác không biết điểm dừng của chúng ta. Họ có thể sẽ vượt quá hoặc đến không đúng chỗ khiến chúng ta lại phải sử dụng đôi chân của chính mình để đi đến đúng nơi. Chưa kể đến việc vì ít hoạt động, đôi chân chúng ta sẽ trở nên kém chịu đựng, động tí nào là đau đau ốm ốm…
Không chỉ riêng đôi chân đâu, quen nhờ người khác viết, tay sẽ run và cứng, chữ sẽ xấu và không thẳng hàng. Quen nhìn bằng đôi mắt của người khác, mắt mình sẽ mờ và không nhận rõ trắng đen.Quen nhờ trí tuệ người khác, não mình sẽ thui chột và dần thôi hoạt động. Mong bạn hãy quan niệm rằng “tự thân vận động” là tốt nhất, hãy tự đến đúng chỗ bằng đôi chân của mình. Vì chỉ có bạn là người duy nhất hiểu được đâu là điểm mà mình cần đến để có thể bóp phanh và dừng chân đúng chỗ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét